Chiều 30/5, tại Hà Nội, Nhóm các tổ chức bảo vệ gấu tại Việt Nam cùng lên tiếng kêu gọi UBND TP Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và các cơ quan có liên quan khẩn cấp và quyết liệt hành động để tiến tới chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Thủ đô.
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: ENV cung cấp).
Hành trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam đã được triển khai 17 năm qua. Vào năm 2005, hơn 4.300 cá thể gấu đã được đăng ký và gắn chíp quản lý nhằm ngăn chặn việc gấu mới phát sinh tại các cơ sở. Từ đó, các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương trên cả nước đã không ngừng nỗ lực để chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật.
Cho tới thời điểm hiện nay, 40 tỉnh/thành phố trên cả nước đã không còn gấu nuôi nhốt, và cả nước chỉ còn 294 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân.
Trong đó, Hà Nội tiếp tục là "điểm nóng" lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam với 149 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân, chiếm 51% tổng số gấu đang bị nuôi nhốt trên cả nước.
Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV):"Là niềm tự hào của cả nước, Thủ đô Hà Nội đáng ra cũng phải là tấm gương cho các địa phương khác về nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Tuy nhiên, thật đáng buồn là Hà Nội lại đang bị bỏ lại phía sau trong khi rất nhiều chuyển biến tích cực thể hiện nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu đã được ghi nhận tại các địa phương khác trên cả nước. Đã tới lúc Thủ đô cần có giải pháp quyết liệt để sớm đóng cửa các cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn và bất hợp pháp".
Nhóm các tổ chức bảo vệ gấu chia sẻ các giải pháp chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu ở Thủ đô Hà Nội.
(Ảnh: ENV cung cấp).
Vào tháng 1/2022, UBND TP Hà Nội đã ra Chỉ thị yêu cầu các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội cần nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố. Chỉ thị cũng đặc biệt chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ, nơi vốn là một điểm nóng về nuôi nhốt gấu - hiện có 139 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tự nhân, chiếm khoảng 93% tổng số gấu nuôi nhốt tại Hà Nội - tăng cường kiểm tra hoạt động nuôi nhốt gấu ở tất cả các cơ sở trên địa bàn.
Chỉ thị trên cho thấy quyết tâm của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu kéo dài suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, Chỉ thị này sẽ không có giá trị nếu thiếu sự cam kết và các giải pháp cụ thể từ phía UBND huyện Phúc Thọ để có thể xóa sổ ngành công nghiệp trích hút mật gấu vẫn đang tồn tại ở địa phương này như các cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ánh.
Ông Gilbert Sape, Giám đốc Toàn cầu Chương trình Động vật hoang dã của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection) chia sẻ thông tin tại tọa đàm. (Ảnh: ENV cung cấp).
Ông Gilbert Sape, Giám đốc Toàn cầu Chương trình Động vật hoang dã của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection) chia sẻ:"Kể từ năm 2005, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng như Nhóm các tổ chức bảo vệ gấu tại Việt Nam với mục tiêu chấm dứt ngành công nghiệp nuôi nhốt gấu lấy mật tại đây. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã cho thấy nỗ lực đáng khích lệ nhưng rất tiếc chúng tôi lại không nhận thấy những chuyển biến tích cực như vậy ở Hà Nội. Chấm dứt nuôi nhốt gấu lấy mật ở Hà Nội là bước đi quan trọng để có thể chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam".
Trong buổi tọa đàm, Nhóm các tổ chức bảo vệ gấu tại Việt Nam với sự tham gia của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Tổ chức FOUR PAWS và Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới đã đề xuất một số giải pháp đến chính quyền thành phố Hà Nội để sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Thủ đô, bao gồm:
Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở nuôi nhốt gấu; Kiên quyết xử lý các vi phạm về gấu và tịch thu các cá thể gấu nuôi nhốt trái phép tại các cơ sở; Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm nghiêm trọng về gấu; Nghiêm cấm tình trạng cho gấu sinh sản tại các cơ sở tư nhân; Vận động các chủ nuôi tự nguyện chuyển giao gấu lại cho Nhà nước và đảm bảo chặt chẽ chính sách "không bồi hoàn" cho chủ cơ sở nuôi trong mọi trường hợp; Khuyến khích sử dụng thảo dược và giải pháp thay thế khác nhân đạo hơn thay vì sử dụng mật gấu.
Tại buổi tọa đàm, phóng viên Dân trí bày tỏ băn khoăn, ngoài biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu để phát hiện các hành động như trích hút mật gấu, buôn bán gấu,... tại sao cơ quan chức năng không áp dụng giải pháp công nghệ như bắt buộc cơ sở nuôi nhốt gấu phải lắp đặt camera và dữ liệu được truyền về các đơn vị có trách nhiệm để giám sát?
Trả lời câu hỏi trên, ông Gilbert Sape cho biết, giải pháp công nghệ không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề này, mà cần sự vào cuộc của nhiều người, nhiều đơn vị.
"Chỉ cần cơ quan chức năng quyết tâm, người dân cùng chung tay thì sẽ làm được. Chúng ta cần một giải pháp tổng thể, từ quy định pháp luật, chế tài xử phạt, tuyên truyền, quyết tâm của chính quyền... thì vấn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, mua bán gấu trái phép mới được giải quyết triệt để", ông Gilbert Sape nói.
Nhiều trung tâm cứu hộ gấu bao gồm Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình - cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế - của Tổ chức FOUR PAWS đã được xây dựng để cho những cá thể gấu từng bị nuôi nhốt trong chuồng cũi có cuộc sống mới tốt đẹp trong môi trường bán hoang dã.
Bà Iona Dungler, Giám đốc Chương trình Động vật hoang dã FOUR PAWS phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: ENV cung cấp).
Bà Ioana Dungler, Giám đốc Chương trình Động vật hoang dã của FOUR PAWS cho biết:"Tại ngôi nhà mới ở Cở sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình, các cá thể gấu sẽ có cơ hội tìm lại bản năng đã mất. Sau quãng thời gian dài bị giam cầm trong chuồng cũi, các cá thể gấu sẽ được sống trong môi trường sống phù hợp. Các cá thể gấu hiện đang bị nuôi nhốt ở Hà Nội cũng sẽ có trải nghiệm tương tự khi được đưa tới đây. Chúng tôi rất mong chờ tới ngày mà Hà Nội trở thành địa phương tiếp theo không còn nuôi nhốt gấu ở Việt Nam".