Trong hơn 6.550 ca ghép tạng từ năm 1992 đến nay, chủ yếu là người được ghép thận (gần 6.100 ca). Người ghép thận đầu tiên ở Việt Nam cách đây 30 năm đang có cuộc sống bình thường như nhiều người. Không ít bệnh nhân được ghép thận 2 lần, 3 lần vẫn sống khoẻ mạnh sau 5 năm, 8 năm.
Việt Nam cũng thực hiện gần 500 ca ghép gan, tim, phổi, ruột, tay; ghép 2 tạng tụy, thận hay ghép 2 tạng tim, phổi.
Hiện cả nước có 23 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép tạng. Bộ đã cấp phép hoạt động cho 10 ngân hàng mô, trong đó có một số ngân hàng mô chuyên biệt (tế bào gốc) và đã thực hiện được hàng nghìn ca ghép mô (giác mạc, da, tủy...). Mới nhất, ca ghép da đầu tiên từ người cho chết não được thực hiện thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Một ca ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức
Phẫu thuật ghép tạng là một trong các phẫu thuật phức tạp nhất của lĩnh vực ngoại khoa, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kĩ năng tổng hợp nhiều chuyên ngành và phải làm chủ được các biến chứng trong và sau mổ.
Ghép tạng cũng là sự hiệp đồng sức mạnh của rất nhiều các chuyên khoa: ngoại, tiết niệu, thận học, gan mật, tiêu hóa, ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, gây mê hồi sức, huyết học, tâm lý, phục hồi chức năng,…
Nhờ ghép tạng, hàng nghìn người được hồi sinh; niềm tin vào trình độ của thầy thuốc Việt Nam được nâng lên. Cùng với những câu chuyện về hiến mô, tạng gây xúc động đã tạo nên hiệu ứng tích cực nhiều năm gần đây, số lượng người đăng ký hiến tạng sau chết, chết não tăng vọt.
Đến tháng 8/2022, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã nhận đơn đăng ký hiến của gần 50.000 người. So với 8 năm trước chỉ 200 người đăng ký, số lượng này được đánh giá là ấn tượng.
Thông tin tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngành ngoại khoa Việt Nam và phẫu thuật nội soi Việt Nam 2022 diễn ra chiều 18/11, các chuyên gia đánh giá thành công trong lĩnh vực ghép tạng càng khẳng định rõ hơn năng lực của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam. Thành tựu này có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên, khích lệ đội ngũ thầy thuốc tự tin hơn, dám nghĩ dám làm, góp phần đưa dấu ấn Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đồng thời là Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam chia sẻ, hiện hội có hơn 2.000 hội viên, là những giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, bác sĩ ở khắp các cơ sở quân dân y trong cả nước.
Đánh giá về các thầy thuốc ngoại khoa Việt Nam, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay ở mỗi vùng miền, mỗi cơ sở y tế họ "luôn nỗ lực hết mình để có được niềm tin của người bệnh", làm thế nào để người bệnh tin tưởng điều trị, hạn chế phải chuyển tuyến và hạn chế người bệnh phải đi nước ngoài chữa bệnh.
Ngành ngoại khoa ra đời đã mở ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh, đặc biệt các ca bệnh nan y, nếu ngành ngoại khoa không phát triển thì người bệnh không có cơ hội sống. "Từ các công trình nghiên cứu có tiếng vang thời đầu tiên và sau này các kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật nội soi, ghép tạng, can thiệp ít xâm lấn trong hầu hết các chuyên khoa đã đưa ngành Ngoại khoa Việt Nam tiếp cận với những tiến bộ mới nhất của y học thế giới" - Thứ trưởng Thuấn đánh giá.
Lần đầu tiên Việt Nam ghép da từ người cho chết nãoNgười bệnh được ghép da từ một người đàn ông chết não, có tâm nguyện hiến tặng mô tạng cứu người tại Bệnh viện Chợ Rẫy.