Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết như vậy tại buổi thông tin báo chí định kỳ sáng 1/8.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có nên hạn chế, cấm nuôi chó dữ, nguy hiểm, ông Tiến - cho biết, trong văn bản quy phạm pháp luật của ngành thú y đã có quy định rất rõ về nuôi chó, như: Khi người dân đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó và có người dắt.
Quy định đã đầy đủ, nhưng những năm gần đây đã xảy ra các vụ chó cắn chết người thương tâm. Về vấn đề này, ông Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định về nuôi chó.
"Như TPHCM, Hà Nội hiện có những đội bắt chó thả rông. Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố khác làm theo mô hình của TPHCM và Hà Nội để thực thi pháp luật nghiêm túc. Đồng thời xử lý nghiêm vi phạm hành chính theo nghị định của Luật thú y, Luật chăn nuôi để giảm tối đa thiệt hại hoặc không xảy ra các vụ việc chó cắn chết người" - ông Tiến nói.
Trước câu hỏi có nên định danh một số loài chó dữ, nguy hiểm để hạn chế hoặc cấm nuôi, ông Tiến cho rằng hiện có hàng trăm loài chó nên khó đưa vào văn bản quy phạm pháp luật.
Pitbull là giống chó dữ, hiếu chiến, gan lì, được mệnh danh là sát thủ máu lạnh hay còn được gọi là chó chiến binh hay võ sĩ giác đấu. (Ảnh: Nypost).
Cũng liên quan đến nội dung này, trước đó, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Long - quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) - cho biết: Đối với quản lý chó nuôi, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản, cụ thể tại điểm b, tiểu mục 2.1, mục 2 (quản lý nuôi chó) Phụ lục 15 của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã quy định rất rõ nội dung và trách nhiệm đối với chủ nuôi chó phải "Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh".
Tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030" đã quy trách nhiệm chủ nuôi chó"Cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định".
Ngày 5/1/2022, Bộ NN&PTNT tiếp tục có Công văn số 17/BNN-TY về việc tổ chức triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030; theo đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình.
Ngoài ra, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, chỉ đạo các địa phương tổ chức quản lý đàn chó, triển khai các nhiệm vụ phòng, chống bệnh dại; Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện.
"Như vậy, hiện nay các văn bản quy định, chỉ đạo đã rất cụ thể. Vấn đề chính là công tác tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương, nhất là tuyến cơ sở cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những nội dung làm được, chưa làm được, đặc biệt là công tác quản lý đàn chó, công tác phòng, chống bệnh dại để có giải pháp khắc phục", ông Long nói.
Mặt khác, theo ông Long, cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, chó phải được nuôi nhốt, xích và phải được đeo rọ mõm, nhất là đối với những giống chó to lớn, hung dữ như chó pitbull,...
Về quy định xử phạt, quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Theo quy định, chủ vật nuôi có chó cắn chết người do không đeo rọ mõm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính là 1 - 2 triệu đồng cho hành vi "Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó".
Ngoài ra, do sự việc nghiêm trọng, chó cắn chết người, nên các cơ quan chức năng của địa phương có thể căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự (ví dụ điều 603), Bộ luật Hình sự (ví dụ điều 295) để xem xét và có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.
Tại khoản 1, điều 295 quy định, nếu vi phạm làm chết 1 người sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; Khoản 2 điều 295 quy định, làm chết 2 người thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm; Khoản 3 điều 295 quy định, làm chết từ 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 6 năm đến 12 năm;...
Trong danh sách 10 giống chó nguy hiểm nhất đối với con người thì Pitbull xếp vị trí đầu tiên.
Theo thống kê củaNational Geographic, chỉ từ năm 2005 đến 2015, loài chó Pitbull đã giết chết 232 người Mỹ (tức là trung bình 1 người trong 17 ngày). Còn ở nước Anh thì loài chó này thậm chí bị cấm nuôi.
Tại Việt Nam cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp chó Pitbull cắn người và hậu quả để lại thường rất nặng nề, nhiều người đã chết hoặc bị thương tích nặng dưới hàm răng và cú đớp của loài chó này, trong đó có nhiều trẻ em.