Không ít lần anh Quốc Anh và vợ xảy ra cãi vã vì chuyện cho họ hàng vay tiền mà không có hạn trả. Theo anh, chính vì cả nể mà vợ anh đang bị lợi dụng và trở thành "cây ATM" cho người em họ.
Ấm ức vì bác họ vay vàng trả tiền
Mỗi lần nghe tin giá vàng tăng, chị Nguyễn Thu Hường (30 tuổi, Long Biên, Hà Nội) lại thở dài thườn thượt ước giá như mình kiên quyết từ đầu không cho người thân mượn tiền.
Chị Hường là nhân viên hành chính của một công ty bất động sản, còn chồng là kỹ sư xây dựng. Cả hai đều từ tỉnh lẻ về Hà Nội lập nghiệp và hiện vẫn đang phải đi thuê nhà.
Năm 2020, cả hai kết hôn và được bố mẹ đôi bên cùng người thân, bạn bè mừng cưới gần 2 cây vàng. Ở Nam Định quê chị Hường có thủ tục trao vàng ngay trong lễ thành hôn, MC xướng tên người mừng giữa đám cưới… nên ai cũng biết hai vợ chồng được tặng nhiều hay ít vàng.
Dẫu vậy, vì tính tổng các khoản chưa đủ để mua nhà nên chị Hường đành đem tiền gửi ngân hàng, còn vàng giữ lại trong nhà.
Sau ngày cưới, một người bác ruột bên chồng ngỏ ý muốn mượn số vàng mừng cưới của cả hai để đầu tư cho con đi xuất khẩu lao động.
Người bác lấy lý do đường sá xa xôi nên đã nhờ vợ chồng chị Hường bán vàng rồi chuyển tiền về. (Ảnh: T. C)
Chồng chị Hường ban đầu nói rằng sẽ về bàn bạc với vợ. Nhưng ngay khi cả hai nói chuyện, người chồng đã "chốt": "Nhà mình chưa dùng đến thì cứ cho bác vay".
Biết chồng bàn bạc lấy lệ, còn ý anh thế nào thì khó mà thay đổi, chị Hường đành thuận theo dù trong lòng không mấy vui vẻ. Người bác lấy lý do đường sá xa xôi nên đã nhờ vợ chồng chị bán vàng rồi chuyển tiền về.
Đến đầu năm 2022, do có kế hoạch mua nhà, chị Hường thúc chồng hỏi bác chuyện vay vàng. "Sau vài ba tháng khất lần khất lượt, người bác cũng chuyển tiền trả chúng tôi nhưng lại là trả tiền và số tiền đúng bằng số tiền bác đã nhận qua chuyển khoản", người phụ nữ 30 tuổi kể.
So với thời điểm vợ chồng chị Hường cho người bác vay vàng thì giá vàng đã tăng hơn. Điều này khiến chị Hường cảm thấy ấm ức vì bị thiệt đủ đường khi cho vay vàng lại nhận về tiền mặt.
Tuy nhiên, người chồng thì xuề xòa: "Nhà bác còn khó khăn, coi như mình giúp bác ấy. Họ hàng một nhà, chẳng đi đâu mà thiệt". Ôm nỗi ấm ức lâu ngày vì chuyện tiền nong, nhiều lúc chị Hường lại to tiếng với chồng.
Vợ chồng anh Quốc Anh (ở Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mở một cửa hàng kinh doanh xe máy điện. Khi xăng tăng giá, cửa hàng khá đắt khách vì một bộ phận người dân chuyển sang sử dụng các dòng xe điện. Nhu cầu khách hàng tăng cao, anh Tuấn Anh luôn phải xoay vòng vốn để nhập hàng mới.
Tuy nhiên, có lúc động đến tài khoản ngân hàng, anh bực bội khi biết vợ đã cho em họ vay hơn 100 triệu đồng.
Anh Quốc Anh cho hay: "Tôi biết người em ấy không khó khăn về kinh tế và cũng làm ăn buôn bán nhỏ ở quê. Tuy nhiên, cứ lần nào khó xoay vòng vốn em ấy lại mượn vợ tôi tiền.
Đợt đầu một vài ba chục triệu đồng. Lâu dần thấy vợ tôi xởi lởi thì lại vay nhiều hơn, nợ cũ chưa trả hết đã vay tiếp. Lý do vay có khi là trả nợ nhà, khi thì cần vốn nhập hàng…".
Theo người đàn ông này, vợ anh hết lần này đến lần khác cho em họ vay tiền là vì lúc nào cũng nghĩ đến chuyện trả ơn bác ruột vì đã nuôi mình ngày bé.
Thuở nhỏ, khi bố mẹ vợ đi xuất khẩu lao động, vợ anh gần như do một tay người bác chăm sóc.
Dù hiểu cho tấm lòng của vợ nhưng không ít lần anh Quốc Anh và vợ xảy ra cãi vã vì chuyện cho họ hàng vay tiền mà không có hạn trả như vậy. Theo anh, chính vì tính cả nể mà vợ anh đang bị lợi dụng và trở thành "cây ATM" cho người em họ "rút" mỗi lúc khó khăn.
Chồng muốn mua ô tô nhưng vợ chỉ nghĩ giúp chị gái
Anh Nguyễn Quang Huy (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cũng gặp bất đồng với vợ vì chuyện cho họ hàng vay tiền.
Anh Huy kể, vợ chồng anh kết hôn được 3 năm. Anh may mắn được bố mẹ hỗ trợ nên đã mua được nhà trước đó. Sau khi kết hôn, hàng tháng, anh chỉ giữ lại một phần nhỏ tiền lương để chi tiêu và lo xăng xe. Số còn lại, anh đều chuyển cho vợ để vợ nộp vào sổ tiết kiệm.
Khi kinh tế gia đình ổn định, anh Huy tính tới việc mua ô tô để vợ chồng đi lại cho thuận tiện. Hai con anh còn nhỏ, quê vợ lại ở Hòa Bình nên mỗi lần về quê ngoại khá vất vả. Nhiều dịp lễ tết, cả hai còn phải đi xe máy về quê vợ.
Anh Huy cho biết, sau nhiều năm, vợ mình cũng tích cóp được một khoản. Khi nói đến việc mua xe ô tô, người vợ đồng ý, nhưng lại không muốn dành số tiền mình tiết kiệm được cùng chồng góp mua xe.
Mỗi lần nghĩ đến việc cả gia đình chen chúc trên chiếc xe máy để về quê ngoại, anh Huy lại thấy ngao ngán. (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn)
"Lý do là bởi cô ấy đã trót hẹn với chị gái đang đi xuất khẩu lao động là sẽ cho người chị vay tiền để xây nhà. Tôi nói với vợ rằng, anh chị em yêu thương, lo lắng cho nhau là đúng. Tuy nhiên, cũng chỉ nên trong giới hạn nào đó vì ai cũng đã trưởng thành, phải tự biết lo cho cuộc sống của mình", anh Huy kể.
Thẳng thắn bày tỏ quan điểm này với vợ, anh Huy bị vợ quy kết là một người ích kỷ, chỉ biết lo cho cuộc sống của mình. Vì chuyện này, cả hai xảy ra "chiến tranh lạnh" một thời gian dài.
Người vợ tuyên bố từ đó về sau tiền ai làm ra người đó sẽ tiêu, không liên quan gì đến nhau. Anh Huy thì tự ái nói sẽ tự kiếm tiền mua ô tô mà không bao giờ động đến tiền tiết kiệm của vợ.
Có rất nhiều cặp vợ chồng gặp phải những mâu thuẫn vì chuyện cho người thân vay tiền như vậy.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, tiền bạc luôn là một trong số những nguyên nhân chính gây nên bất hòa trong đời sống hôn nhân.
Vấn đề chính các gia đình thường gặp phải đó là thiếu sự bàn bạc, thống nhất trong vấn đề tài chính giữa hai vợ chồng. Một người thì có những dự định riêng về tài chính cho gia đình nhỏ của mình. Người còn lại thì lại muốn hỗ trợ, giúp đỡ người thân. Khi cả hai không thống nhất được quan điểm, không ai chịu thỏa hiệp với ai thì sẽ dẫn đến bế tắc.
Có thể trước khi đưa ra quyết định cho vay, cả hai sẽ có một cuộc bàn bạc. Song đó thường là những cuộc bàn bạc mang tính hình thức bởi "ý chàng/nàng đã quyết thì khó lòng mà thay đổi".
Cuối cùng, dù trong lòng vẫn giữ cảm giác không thoải mái nhưng người chồng, người vợ vẫn phải thuận theo ý của bạn đời. Sự không thoải mái này sẽ dẫn đến những mâu thuẫn lớn hơn khi có rắc rối phát sinh từ chuyện vay tiền như người vay chậm trả, gia đình cần tiền đột xuất nhưng không đòi được mà phải đi vay nơi khác…
"Đa phần người Việt có tâm lý muốn đùm bọc, giúp đỡ người thân của mình lúc khó khăn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người cho vay phải chật vật khi đòi nợ, thậm chí có trường hợp còn mất trắng", vị chuyên gia này nói.
Theo ông, để tránh dẫn đến tình trạng vợ chồng sứt mẻ tình cảm về chuyện tiền nong, tốt nhất cả hai cần có sự bàn bạc, thống nhất (thống nhất trong tâm lý thoải mái).
Nếu gia đình chưa vững về tài chính hoặc vẫn có những kế hoạch chi tiêu trong tương lai gần thì nên cân nhắc tới chuyện từ chối. Nếu người thân vay tiền vì những lý do cấp bách như chữa bệnh, cứu người… có thể xem xét, còn lại nên cân đối phù hợp với điều kiện gia đình mình hiện tại.