Sáu tác phẩm sơn mài của các họa sĩ Việt được đưa ra đấu giá trong phiên "Khám phá hiện đại: Cuộc gặp gỡ" của Sotheby's Hong Kong, diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 22 đến 29/7. Trong đó, bức Quang cảnh vùng trung du Việt Nam, đề tên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bán với mức cao nhất - 1,5 triệu HKD (4,5 tỷ đồng).
Sơn mài gồm sáu tấm, mô tả phong cảnh làng quê Việt. Lấy con thuyền trên sông làm chủ đạo, xung quanh là những cây cối đặc trưng của Việt Nam như tre, chuối. Phía xa là những ngôi nhà trên mặt nước và đồi núi. Hình ảnh những cô thôn nữ dưới tán cây làm tăng vẻ nhẹ nhàng, nên thơ của cảnh vật.
Theo nhà đấu giá, tranh là thành quả của các nghệ sĩ, sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (MBAI), dưới sự hướng của Nguyễn Gia Trí và Phạm Hậu. Chữ ký MBAI ở mặt sau khẳng định đây là tác phẩm của một tập thể. Tranh thể hiện sự hoàn hảo về tính thẩm mỹ và chủ đề được ưa chuộng trong sơn mài.
Trong cuốn Cartographic Mapping Institute năm 1993, họa sĩ Trương Hạnh viết: "Mảng màu tối như bóng tối vào ban đêm, nhưng cũng sống động như màu của chiếc lá vàng dưới ánh mặt trời. Mảng màu vàng như bay lên tạo cho bức tranh sự cân bằng và thống nhất. Người ta có cảm giác như chạm vào nhung, satin, sứ và đá quý...".
Bức "Quang cảnh vùng trung du Việt Nam" gồm sáu tấm, tổng kích thước 100x193 cm. Ảnh: Sotheby's
Bức sơn mài Cá của họa sĩ Nguyễn Khang được bán giá 1,26 triệu HKD (3,7 tỷ đồng), Mùa gặt của Phạm Hậu đạt mức 567.000 HKD (1,7 tỷ đồng). Ngoài ra, tác phẩm của Trần Phúc Duyên, Đinh Văn Dần... cũng bán với giá cao.
Những tác phẩm sơn mài trong phiên đấu giáCao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được xem là cái nôi của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, theo Sotheby's. Sơn mài xuất hiện tại Việt Nam từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên qua các việc sử dụng mủ cây sơn ta để làm thuyền, các vật dụng sơn son thếp vàng trong hoàng cung... Tuy nhiên, việc đưa sơn ta vào hội họa chuyên nghiệp thực sự bắt đầu qua khóa học của họa sĩ người Pháp Joseph Inguimberty tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Theo cuốn Các họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong một buổi đi vẽ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Joseph Inguimberty sửng sốt trước các bức hoành phi, câu đối, đồ thờ được sơn son thếp vàng lâu đời, với các gam màu phong phú tại đây. Ông đề xuất với hiệu trưởng Victor Tardieu đưa sơn ta vào chương trình nghiên cứu và học tập. Sau đó, trường mở xưởng kỹ thuật nghiên cứu sơn ta, đặt cơ sở hoàn thiện kỹ thuật và phát triển của tranh sơn mài. Đến năm 1938, sơn mài trở thành ngành giảng dạy chính.
Trong tiểu luận Nền hội họa Pháp và ảnh hưởng tại Đông Dương, học giả người Pháp Claude Mahoudot viết: "Joseph Inguimberty thực sự đã tạo ra một phong trào hội họa và đưa sơn ta vào phục vụ họa sĩ. Chất sơn sau này có vị trí rất lớn trong lịch sử nghệ thuật Đông Dương". Những năm 1930-1940 được coi là thời kỳ hoàng kim của sơn mài Việt Nam với nhiều tên tuổi nổi tiếng như Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Khang, Hoàng Tích Chù... Các họa sĩ liên tiếp cải tiến về kỹ thuật, màu sắc, tạo nên đặc trưng riêng biệt.
Tác phẩm sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc, Bình Phong của Nguyễn Gia Trí được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong khi đó, Phạm Hậu có bốn bức sơn mài đạt mốc triệu USD, trong đó có tác phẩm Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long - từng thuộc bộ sưu tập của vua Bảo Đại - bán giá 1,24 triệu USD hồi cuối năm 2021.
Bức "Bình phong" của danh họa Nguyễn Gia Trí, có kích thước 128x37x44 cm ra đời năm 1944. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam