Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ được tôn vinh

17/05/2022 15:54
- Tối ngày 15/5, tại Nhà hát Chèo Việt Nam đã diễn ra chương trình "Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ lần thứ VIII". Nhiều giá văn đã được các nghệ nhân, thanh đồng trình diễn.

Chương trình do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Cục Văn hóa cơ sở cùng các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, thanh đồng đến từ những tỉnh thành phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái… cho đến các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Đắk Lắk…

Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ được tôn vinh

Các nghệ nhân, thanh đồng tham gia chương trình (Ảnh: Ban Tổ chức).

Đạo diễn Hoàng Đạt cho biết, đây là hoạt động được tổ chức thường niên (năm 2021 bị gián đoạn vì dịch Covid-19).

Chương trình nhằm góp phần tôn vinh di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian hát văn, các thanh đồng đã có công gìn giữ bảo tồn phát huy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần định hướng cho loại hình nghệ thuật hội tụ nhiều giá trị văn hóa mang nhiều màu sắc tâm linh được đi đúng hướng của một di sản phi vật thể.

Tại chương trình, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã trao tặng Bằng khen cho Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chương trình "Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ lần thứ VIII" vì "đã có nhiều thành tích đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể: Diễn xướng nghi lễ Chầu văn của người Việt".

Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ được tôn vinh

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu trong chương trình (Ảnh: Ban Tổ chức).

Chia sẻ về những ghi nhận này, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh nói: "Chúng tôi sẽ cố gắng để giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóatín ngưỡng nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Qua đây, tôi hi vọng rằng các cấp lãnh đạo sẽ quan tâm hơn nữa đến những nghệ nhân, thanh đồng đang gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, để giá trị đặc sắc này ngày càng được lan tỏa đến người dân trong nước và quốc tế".

Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ được tôn vinh

Nghệ nhân thanh đồng Hoàng Xuân Mai mở màn đêm diễn (Ảnh: Ban Tổ chức).

Tham gia chương trình, các nghệ nhân, thanh đồng đã trình diễn những tiết mục đặc sắc nhất. Mở đầu là giá Chúa Đông Cuông của nghệ nhân thanh đồng Hoàng Xuân Mai đến từ Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên thanh đồng này tham gia diễn xướng sân khấu nên cách trình diễn được đánh giá là có nhiều nét tươi mới, giữ được sự trong trẻo, hồn nhiên.

Các màn trình diễn khác như giá quan Đệ Nhị, giá quan lớn Đệ Tam, giá quan lớn Tuần Tranh, giá Chầu bé Bắc Lệ, giá ông Hoàng Bảy, giá quan Hoàng Mười, giá Cô Đôi Thượng Ngàn, giá Cô Chín, giá Cô Bé… của các nghệ nhân tiêu biểu cũng mang đến nhiều nét đặc sắc, cuốn hút khán giả.

Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ được tôn vinh

Thanh đồng Hoàng Xuân Mai trình diễn giá chúa Đông Cuông (Ảnh: Ban Tổ chức).

Chia sẻ về lần đầu tham gia diễn xướng trên sân khấu lớn ở Hà Nội, nghệ nhân thanh đồng Hoàng Xuân Mai nói: "Tôi rất vinh dự được tham gia, đồng hành với chương trình và biểu diễn giá chúa Đông Cuông. Chúa Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu.

Mẫu Thượng ngàn là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân. Nơi thờ chính là đền Đông Cuông (Yên Bái), ở Hà Nội có đền Rừng (Long Biên) thờ vọng".

"Mong muốn của thanh đồng chúng tôi là luôn có không gian để tôn vinh đạo Mẫu, bảo tồn và phát triển trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng.

Bởi qua các chương trình này sẽ góp phần định hướng cách hiểu của khán giả về hình thức, trình thức của biểu diễn nghệ thuật mang màu sắc tâm linh với mong muốn luôn chấp hành đúng pháp luật của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc", nghệ nhân thanh đồng Hoàng Xuân Mai nói.

Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ được tôn vinh

Những màn trình diễn ấn tượng (Ảnh: Ban Tổ chức).

Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ được tôn vinh

Sự đầu tư công phu của các nghệ nhân (Ảnh: Ban Tổ chức).

Sau chương trình, công chúng được nhận diện rõ nét hơn về diễn xướng nghi lễ chầu văn. Đồng thời cũng giúp các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trao đổi kinh nghiệm, học hỏi để làm phong phú thêm hoạt động tín ngưỡng, giữ gìn, lan tỏa hơn nữa trong đời sống.

Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ được tôn vinh

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (Ảnh: Ban Tổ chức).

Qua chương trình này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam mong muốn sẽ đúc rút được những kinh nghiệm để mở rộng quy mô hơn cho những lần sau.

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tin tưởng rằng, các nghệ nhân, thanh đồng - những người làm nên diện mạo chương trình ngày hôm nay đã tô điểm và nâng cao nhận thức xã hội và cũng là nguồn tư liệu sống đóng góp thiết thực cho nghệ sĩ, diễn viên và những người sáng tạo nghệ thuật sân khấu nói chung, đặc biệt là các loại hình truyền thống của dân tộc nói riêng phát huy hiệu quả giá trị nghệ thuật truyền thống, đương đại.

Theo dantri.com.vn

Nghệ thuật Diễn xướng nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ được tôn vinh - Văn Hóa