Quá trình sản xuất cốm gạo. Video: An Minh
Làng cốm gạo với gần 20 hộ được hình thành hơn 10 năm qua, trên tuyến đường dẫn vào trung tâm phường Tân Thành, cách trung tâm TP Cà Mau khoảng bảy km. Những quầy bày bán cốm san sát nhau. Vào những buổi chiều, tiếng nổ cốm "bùm bùm" vang một góc trời từ các trong làng nghề này.
Hì hục quay những ống nổ cốm trên bếp củi, ông Trần Văn Khoa, 46 tuổi, chủ một cơ sở trong làng, cho biết mỗi ngày dùng 50 kg gạo để cho ra lò khoảng 45 kg cốm trắng. Một phần cốm được ông cung cấp cho nhiều hộ lân cận với giá 30.000 đồng mỗi kg để ngào trộn ra những tán cốm thơm ngon. Phần còn lại gia đình ông cũng ngào bán với giá 50.000 đồng mỗi kg. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông kiếm được 30-40 triệu đồng từ nghề này.
Theo ông Khoa, quan trọng nhất khi làm cốm là lúc bỏ gạo vào ống nổ rang, thợ phải canh cho lửa đều, nếu không hạt cốm nổ ra không giòn. Lần rang đầu tiên mất chừng 20 phút rang, còn từ mẻ thứ hai trở đi tốn khoảng 10 phút vì ống nổ đã nóng. Dụng cụ rang cốm thường phải mua tận TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Cốm nguyên liệu. Ảnh: An Minh
Bà Trần Thị Nâu, 61 tuổi, có 10 năm gắn bó với nghề này, cho biết việc ngào cốm không có công thức phức tạp, nguyên liệu cũng đơn giản nhưng mỗi người sẽ có bí quyết riêng tạo ra sản phẩm ngon nhất. Làng cốm Tân Thành cũng từ đó ngày càng phát triển, tạo nên thương hiệu nổi tiếng.
Mỗi mẻ cốm ngào được những người thợ làm trong khoảng 10-12 phút, với 300 gram cốm trắng, 400 gram đường, 200 gram dầu ăn, 200 gram đậu phộng, hành và một muỗng nước cốt chanh. Trong vòng một tiếng mỗi người có thể làm được năm kg cốm thành phẩm.
Các nguyên liệu sau khi được cho vào chảo, bật lửa nấu sôi đến khi hỗn hợp có màu vàng cánh gián thì đổ hạt cốm trắng vào và tiếp tục trộn đều. Khi cốm đạt độ kết dính cho phép, thợ sẽ đổ ra khuôn, rồi cán bằng và cắt thành miếng nhỏ.
Cốm ngào thành phẩm bán ra thị trường. Ảnh: An Minh
"Để ngào cốm đạt chất lượng quan trọng nhất ở hỗn hợp nước đường phải có màu vàng vừa đủ độ" bà Nâu nói. Cốm làm ra không giòn khi nước đường quá trắng, song nếu nước đường quá vàng, cốm sẽ có vị đắng.
Hiện, mỗi ngày bà Nâu bán khoảng 30 kg cốm thành phẩm với giá 50.000 đồng mỗi kg, thu lãi hơn 300.000 đồng. Còn những tháng cận Tết bà bán gấp 3-4 lần. Cốm Tân Thành được tiêu thụ tại Cà Mau và nhiều tỉnh lân cận.
Bà Lê Huyền Trang, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường Tân Thành, cho biết làng cốm gạo giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho nhiều lao động nữ nhàn rỗi tại địa phương. Để tạo điều kiện cho bà con tiêu thụ sản phẩm, địa phương thường xuyên quảng bá, đưa sản phẩm đến nhiều hội chợ, sàn giao dịch...
An Minh