Đặc sản Tây Nguyên ngon hiếm có, khách muốn ăn phải tới vùng đất đỏ bazan

08/07/2023 11:51
Tây Nguyên không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn hấp dẫn du khách bởi loạt đặc sản thơm ngon như gỏi lá, heo rẫy nướng, gà nướng Bản Đôn, bún đỏ Đắk Lắk, phở khô Gia Lai,…

Gỏi lá

Nhắc đến đặc sản Tây Nguyên không thể không kể đến món gỏi lá nức tiếng. Món ăn này có thể thưởng thức quanh năm nhưng vẫn có sự khác biệt vào mùa mưa hay mùa khô, bởi số lượng lá nhiều hay ít còn phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết, trung bình được lựa chọn từ 30-40 loại lá rừng khác nhau.

Đặc sản Tây Nguyên ngon hiếm có, khách muốn ăn phải tới vùng đất đỏ bazan

Gỏi lá Tây Nguyên từng được bình chọn là một trong 10 món ăn Việt Nam đạt giá trị tinh hoa ẩm thực của châu Á (Ảnh: Travellive).

Ngoài nguyên liệu chính là các loại lá rừng, món gỏi này còn được ăn kèm cùng tôm, thịt, da heo,… Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất và được coi như linh hồn của món ăn lại là phần nước chấm đặc sánh màu vàng nghệ.

Nó không phải là nước mắm, nước tương hay nước chấm thông thường mà được chế biến kỳ công từ gạo nếp lên men đem ủ với tôm khô, thịt ba chỉ rồi xay nhuyễn. Sau đó cho hỗn hợp đó lên chảo nóng đã phi hành khô, thêm mẻ, sa tế, gia vị rồi đảo đều trên bếp lửa liu riu mới thành.

Khi ăn, người ta cuốn lá thành hình phễu, gắp thức ăn vào bên trong rồi quệt với nước chấm sền sệt, từ từ cảm nhận đủ hương vị từ ngọt, chan chát đến chua chua, beo béo của các loại lá rừng Tây Nguyên.

Heo rẫy nướng

Ở Tây Nguyên, các giống heo tại đây được người dân địa phương chăn thả tự nhiên nên lớp da mỏng, ít mỡ, thịt dày, mềm và có độ ngọt dịu, khi chế biến có mùi thơm.

Đặc sản Tây Nguyên ngon hiếm có, khách muốn ăn phải tới vùng đất đỏ bazan

Người bản địa thường làm món thịt heo nướng ống tre, kết hợp cùng các loại gia vị như ớt xiêm, muối hột, củ nén,… giã nhuyễn khiến ai ăn cũng thích thú. Món ăn này chấm kèm muối ớt rất ngon (Ảnh: Vinh Gấu).

Cách tẩm ướp, chế biến đặc biệt cũng là bí quyết giúp món thịt heo rẫy ở vùng đất đỏ bazan càng thêm hút khách hơn. Theo đó, trước khi nướng, người ta phải quét thêm một lớp hỗn hợp mạch nha, nước cốt chanh lên bề mặt thịt heo. Cách này giúp thịt sau khi nướng vừa có mùi thơm, vừa có màu sắc bắt mắt.

Gà nướng Bản Đôn

Ngoài các món ăn chế biến từ thịt thú rừng như heo rẫy, bò một nắng, thịt nai, nhím..., các loại cá lăng, cá sông Sêrêpôk, cá suối nướng trong ống lồ ô hay các món từ côn trùng..., ẩm thực Tây Nguyên còn thu hút du khách bởi đặc sản gà nướng dân dã.

Gà nướng là món ăn đặc trưng mà du khách thường bắt gặp khi ghé thăm các tỉnh vùng núi. Tuy nhiên, món gà nướng chế biến từ loại gà thả vườn của người M’Nông lại có hương vị riêng, hấp dẫn (Ảnh: Vinh Gấu).

Gà ở đây là loại thả vườn, chủ yếu là gà tơ được cho ăn côn trùng, cỏ non nên kích thước nhỏ, thịt săn, da mỏng và có mùi thơm.

Sau khi sơ chế sạch, gà được đem tẩm ướp với muối hột, ớt xanh,… rồi nướng trên than hồng cho đến khi chín vàng đều và dậy mùi thơm nức mũi là có thể thưởng thức.

Bún đỏ Đắk Lắk

Bún đỏ cũng là một trong những đặc sản Tây Nguyên được nhiều du khách biết đến, nhất là ở Đắk Lắk. Đúng như tên gọi, bún có màu đỏ đẹp mắt do được nhúng vào nước dùng ninh từ xương heo, dầu điều và gạch cua.

Một tô đầy đủ gồm bún đỏ, thêm thịt lợn thái mỏng, tóp mỡ, trứng cút, thịt cua và ăn kèm với rau cần, giá đỗ.

Đặc sản Tây Nguyên ngon hiếm có, khách muốn ăn phải tới vùng đất đỏ bazan

Không chỉ hấp dẫn bởi màu sắc đẹp mắt, món bún đỏ Tây Nguyên còn hút khách nhờ hương vị nước dùng thơm ngon, đậm đà (Ảnh: Linh Trang).

Nếu có dịp du lịch Đắk Lắk, du khách có thể ghé đường Phan Đình Giót ở TP. Buôn Mê Thuột, tìm và thưởng thức món bún đỏ trứ danh. Đoạn đường này chỉ dài khoảng 100m nhưng có hơn chục quán bún đỏ khác nhau, mở bán từ sáng đến tối.

Phở khô Gia Lai

Được biết đến là món phở “gọi một được hai”, phở khô Gia Lai cũng là một trong những đặc sản được thực khách truyền tai nhau nhất định phải thưởng thức khi đến Tây Nguyên.

Ở Gia Lai, một tô phở khô thông thường có các nguyên liệu như bánh phở đã trụng kèm tóp mỡ, hành phi, hành lá, thịt xay… Ngoài ra, trong phần nước dùng còn có thêm thịt bò, bò viên hoặc xương. Tùy theo bí quyết chế biến của từng quán hoặc khẩu vị, sở thích của thực khách mà phở khô sẽ được phục vụ với các nguyên liệu khác nhau.

Đặc sản Tây Nguyên ngon hiếm có, khách muốn ăn phải tới vùng đất đỏ bazan

Phở khô Gia Lai được nhận xét là món ăn không dành cho người vội vàng. Tuy không nóng hổi như các món phở khác nhưng “phở 2 tô” đòi hỏi người ăn phải kiên nhẫn, tỉ mỉ gia giảm các nguyên liệu rồi trộn đều và từ từ thưởng thức (Ảnh: Hưng Huỳnh).

Tuy nhiên, thay vì chan nước dùng (nước lèo) trực tiếp lên phở, người địa phương sẽ phục vụ thực khách cùng lúc hai tô, một tô đựng bánh phở và một tô đựng nước dùng. Khi ăn, thực khách thưởng thức bánh phở riêng rồi húp một ngụm nhỏ nước dùng đậm đà.

Ngoài các món kể trên, du khách có dịp du lịch Tây Nguyên có thể tìm và mua một số đặc sản khác về làm quà cho gia đình, bạn bè và người thân như bột cacao nguyên chất, chuối hột rừng khô, bơ sáp, cà phê chồn, hạt tiêu, măng le khô Gia Lai, thịt khô nai,...

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

Đặc sản Tây Nguyên ngon hiếm có, khách muốn ăn phải tới vùng đất đỏ bazan - Văn Hóa