Chế độ ăn theo nhóm máu được phát triển bởi bác sĩ Peter D'Adamo - Giáo sư Khoa học Lâm sàng tại Đại học Bridgeport, Connecticut, Mỹ. Bác sĩ D'Adamo đã chỉ ra rằng những người có các nhóm máu khác nhau sẽ không nhận được lợi ích giống nhau khi ăn cùng một loại thực phẩm, và mỗi nhóm máu đều có nguy cơ mắc các bệnh khác nhau.
Chẳng hạn, ăn thực phẩm chứa protein lectin không phù hợp với nhóm máu có thể gây tụ máu, dẫn tới các nguy cơ gây hại sức khỏe như bệnh về tim, thận, ung thư. Điều này xuất phát từ khả năng tiêu hóa thức ăn khác nhau do sự khác biệt trong cơ chế bài tiết của các nhóm máu.
Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Peter D'Adamo, chế độ ăn theo nhóm máu giúp đốt mỡ hiệu quả hơn, cải thiện nguồn năng lượng cho cơ thể, kích thích hệ miễn dịch, làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch và ung thư.
Dựa trên quan điểm đó, ông đã đề xuất các loại thực phẩm và cách tập luyện phù hợp với từng nhóm máu để mọi người có thể xây dựng chế độ ăn phù hợp theo nhóm máu của mình.
Nhóm máu A
Người có nhóm máu A được gọi là "nông dân" . Tổ tiên của những người nhóm máu A chủ yếu có nguồn gốc từ châu Á và Trung Đông, họ chủ yếu nhận được năng lượng cần thiết thông qua lương thực. Do đó, những người nhóm máu A có nhiều enzym phân hủy carbohydrate thực vật trong cơ thể hơn, phù hợp với chế độ ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc.
Hơn nữa, người nhóm máu A có cơ quan tiêu hóa yếu, không thích hợp với chế độ ăn nhiều thịt và các sản phẩm từ sữa, sẽ khiến niêm mạc xoang và đường hô hấp bài tiết nhiều.
Ngoài ra, theo D'Adamo, những người thuộc nhóm máu A dễ mắc bệnh tim, ung thư và tiểu đường, vì vậy họ phù hợp hơn với các bài tập cần sự tập trung và tĩnh lặng như yoga hoặc thái cực quyền.
Ảnh minh họa.Nhóm máu B
Những người nhóm máu B có đặc điểm là có thể thích ứng nhanh với biến đổi khí hậu.
Theo D'Adamo, người nhóm máu B có hệ miễn dịch mạnh và hệ tiêu hóa dung nạp tốt. Do đó, về cơ bản họ có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau như trái cây, rau, củ quả, ngũ cốc, các loại đậu, thịt, cá, trứng, sữa nhưng tránh ăn các loại hạt.
Tuy nhiên, người có nhóm máu B nếu ăn quá nhiều một số loại như ngô, lúa mì, cà chua hay đậu phộng có thể gây tăng cân, mệt mỏi và hạ đường huyết.
Bên cạnh đó, một trong những thực phẩm mà người nhóm máu B nên hạn chế là thịt gà. Bởi BS Peter cho rằng thịt gà có thể là nguyên nhân gây đột quỵ do hàm lượng cholesterol cao và nguy cơ béo phì. Người có nhóm máu này có thể lựa chọn thay thế bằng thịt cừu, dê hay thịt thỏ.
Bác sĩ D'Adamo khuyến nghị người nhóm máu B nên thực hiện các bài tập aerobic vừa phải và các bài tập thăng bằng chẳng hạn như đạp xe, chạy hoặc đi bộ.
Nhóm máu AB
Nhóm máu này là sự pha trộn giữa nhóm máu A và nhóm B.
Theo D'Adamo, những người có nhóm máu AB có cơ thể phức tạp hơn những người có nhóm máu khác. Về cơ bản, những thực phẩm người nhóm máu A và B ăn được hay không ăn được thì người nhóm máu AB cũng như vậy.
Ảnh minh họa.
Thịt là thực phẩm không dễ tiêu hóa đối với nhóm máu AB. Những người thuộc nhóm máu này có thể ăn một lượng nhỏ protein từ thịt. Chất đạm thích hợp nhất là đạm cá và động vật có vỏ và trứng. Ngoài ra, họ có thể ăn thêm đậu phụ, hải sản và rau xanh để thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Về thể thao, cả thể thao tĩnh và động đều phù hợp với người nhóm máu AB, chẳng hạn như yoga, thái cực quyền hoặc đạp xe.
Nhóm máu O
Những người thuộc nhóm máu O có nồng độ acid trong dạ dày cao và có khả năng tiêu hóa tốt cả protein hoặc chất béo động vật. Đó là lý do tại sao mà một chế độ dinh dưỡng nhiều thịt, cá, rau củ và trái cây là tốt nhất dành cho những người thuộc nhóm máu này.
Tuy nhiên, thói quen tiêu thụ quá nhiều một số loại thực phẩm chứa carbohydrate như cơm, bánh mì, mì sợi… là một trong các thủ phạm gây tăng cân, vì thế những người nhóm máu O nên hạn chế sử dụng các thực phẩm này.
Ngoài ra, người nhóm máu O dễ mắc bệnh hen suyễn, bệnh dị ứng, viêm khớp... nên họ càng thích hợp với các loại hình vận động đơn điệu và lặp đi lặp lại như bơi lội, chạy bộ, đạp xe hoặc tập tạ.
Nhóm thực phẩm tốt cho từng nhóm máu (Ảnh: MRNM)
Mặc dù chế độ ăn kiêng theo nhóm máu dựa trên lý thuyết khoa học, nhưng hiệu quả của nó chưa được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng. Do đó, nếu cố gắng lập kế hoạch ăn uống dựa trên nhóm máu có thể tạo ra sự mất cân bằng dinh dưỡng.
Chẳng hạn, chế độ ăn dành cho người nhóm máu A và O khá khắc nghiệt, nhiều người lo rằng khi tuân theo chế độ ăn này có thể không hấp thu đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Việc tuân theo một chế độ dinh dưỡng kết hợp chế độ tập luyện thường xuyên được xem là phương pháp giảm cân hiệu quả nhất. Nếu muốn thử nghiệm chế độ ăn này, hãy chắc chắn hiểu về sức khỏe và nhóm máu của bản thân.
Phương Anh (Theo Women's Health)