Tập luyện đúng cách có thể giúp người bệnh thấp tim tăng sức đề kháng, đẩy lùi mầm bệnh, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ gặp biến chứng hoặc tái nhiễm liên cầu khuẩn gây bệnh....
1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh thấp tim
Thấp tim hay bệnh tim do thấp là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân (có liên quan đến miễn dịch), chỉ xảy ra sau một hay nhiều đợt viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra. Bệnh biểu hiện bằng một hội chứng bao gồm viêm đa khớp, viêm tim, hạt dưới da, ban đỏ vòng...
Tính đến nay, bệnh thấp tim vẫn là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch ở các nước đang phát triển. Nếu không được phát hiện và theo dõi, căn bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cuối cùng là tử vong.
Trong quá trình điều trị, ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, người bệnh thấp tim cần chú trọng nâng cao sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp. Mặc dù không có tác dụng điều trị trực tiếp, nhưng việc này sẽ giúp đẩy lùi tác nhân gây bệnh, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm. Hơn thế, đối với người bệnh thấp tim nói riêng, tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ gặp các biến chứng trên tim mạch.
2. Một số bài tập cho người bệnh thấp tim
Trên thực tế, không có bất kỳ chống chỉ định nào trong tập luyện đối với người bệnh thấp tim. Việc tập luyện thể dục thể thao không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ đẩy lùi mầm bệnh.
Điều quan trọng là người bệnh cần tự lắng nghe, theo dõi sức khỏe của mình. Trong giai đoạn cấp của bệnh, nên nghỉ ngơi và hạn chế vận động gắng sức. Khi các triệu chứng cấp đã thuyên giảm, sức khỏe dần hồi phục, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về hình thức và cường độ tập luyện phù hợp.
Dưới đây là một số bài tập mà người bệnh thấp tim có thể thực hiện:
2.1. Thái cực quyền
Thái cực quyền là bộ môn phù hợp với hầu hết mọi người vì có thể bắt đầu từ từ và chậm rãi, tăng dần sự tự tin, nhịp độ và cử động có thể được thay đổi để tăng cường độ. Bài tập này sẽ giúp người tập có cơ thể dẻo dai, tăng cường khả năng giữ thăng bằng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
2.2. Đi bộ
Đi bộ mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và hệ miễn dịch. Thường xuyên đi bộ có thể hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch bằng cách giúp các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả, tăng lưu lượng máu, giảm căng thẳng và viêm nhiễm, đồng thời tăng cường kháng thể. Tránh đi bộ ở những nơi không khí ô nhiễm.
2.3. Khí công và yoga
Những bài tập khí công và yoga đều có tác dụng tốt đối với sức khỏe tổng thể. Không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, những động tác này còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu bạn là người mới bắt đầu làm quen với bộ môn này, tốt nhất nên tham gia một lớp học với sự hướng dẫn trực tiếp của các huấn luyện viên, nhằm đảm bảo tập đúng kỹ thuật, hạn chế chấn thương.
Tập yoga cũng là lựa chọn tốt cho người bệnh thấp tim.
2.4. Bơi lội
Bơi lội cũng là một trong những lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân thấp tim. Trong môi trường nước, trọng lượng cơ thể được nâng đỡ, do đó giảm được sức nặng của cơ thể lên các khớp. Khi bơi toàn bộ cơ thể sẽ phải hoạt động, cùng lúc thực hiện các động tác chân đạp, tay vươn, lưng xoay, căng cơ bụng và cân bằng trọng tâm sẽ giúp cho các cơ bắp trở nên săn chắc.
Dưới nước thể tích trong khoang phổi cũng tăng lên, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi khí diễn ra tốt, do vậy oxy sẽ được cung cấp tới các khớp nhiều hơn. Đồng thời quá trình trao đổi chất và lưu thông máu được diễn ra thuận lợi từ đó giúp tim tăng cường co bóp cũng như thúc đẩy máu lưu thông tới các chi giúp quá trình vận động được diễn ra dễ dàng.
3. Lưu ý khi tập luyện đối với người bệnh thấp tim
- Tránh tập thể dục nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc gặp bất kỳ triệu chứng đau, khó chịu: Để đảm bảo việc tập luyện đúng cách, bạn cần tự theo dõi sức khỏe của chính mình. Nếu quá mệt mỏi, tốt nhất không nên tham gia vận động, tránh hại sức khỏe.
- Uống đủ nước: Đổ mồ hôi trong và sau quá trình tập luyện có thể khiến bạn mất nước. Do đó, cần uống nhiều nước để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.
- Tăng cường các thực phẩm bổ dưỡng giúp tăng sức đề kháng: Ăn đủ các nhóm chất, đặc biệt là ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Ưu tiên các thực phẩm lành mạnh, theo mùa cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Mời bạn đọc xem thêm:
Bệnh thấp tim có nguy hiểm không?
SKĐS - Thấp tim là một bệnh khá nguy hiểm bởi khi bị thấp tim thương tổn có tính chất toàn thân, bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 5-15.
ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền